Phật Tổ Đạo Ảnh (Các Vị Tổ Thiền Tông).
Nguồn Gốc Năm Phái Thiền Tông bắt đấu từ tôn giả Ca-diếp, nước Thiên trúc. Các tổ nối tiếp nhau đến đời thứ hai mươi tám là tổ Đạt-ma thì dòng thiền được truyền sang miền Đông, nên tổ Đạt-ma cũng là sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa, rồi năm đời kế thừa truyền đến Lục tổ là đại sư Huệ Năng ở Tào Khê.
Đây chỉ nói về hệ truyền y bát, có nghĩa là mạch nối tiếp có tính cách đơn truyền. Còn như lai lịch truyền pháp nói chung, cố nhiên ở bên Ấn-độ, chúng ta không có dịp truy khảo ; ngay tại Trung Hoa thiền cũng chia ra thành chi nhánh, như Pháp Dung ở Ngưu Đầu sau này cũng thành tổ của một phái thiền riêng. Khi sưu tập và tăng đính sách Phật Tổ Đạo Ảnh, tôi có ghi rõ các hệ. Sau đời Lục Tổ y bát không truyền lại nữa, còn các vị xưa chép sách, phần đông đều ghi về hai dòng Nam Nhạc và Thanh Nguyên. Trong Phật Tổ Đạo Ảnh tôi cũng y theo như vậy mà ghi chú thứ tự các thế hệ.
Đệ tử của Ngũ Tổ, ngoài ra ta chỉ còn thấy có đại sư Thần Tú hoằng pháp Bắc phương, có đệ tử nối pháp nhưng sau đó hệ phái suy vi nên không kể lại. Môn hạ của Lục Tổ đắc đạo rất nhiều, trong số này trứ danh là thiền sư Thần Hội truyền bá tông đốn giáo nơi phương Bắc khiến cho phái thiền “tiệm” bị tắt đi, nhưng hệ phái của sư khi truyền đến ngài Khuê Phong thì vị này đổi thành tổ sư của tông Hoa-Nghiêm, bởi vậy các thế hệ sau đó cũng không được ghi lại.
Nay nói về hai phái Nam-Nhạc và Thanh-Nguyên:
Thiền sư Hành-Tư núi Thanh-Nguyên truyền pháp cho Hy-Thiên ở Thạch- Đầu. Hy-Thiên phân truyền cho Duy-Nghiễm ở Dược-Sơn và Đạo-Ngộ ở chùa Thiên-Hoàng, Nghiễm truyền cho Vân-Nham Đàm-Thạnh, Thạnh truyền cho Động-Sơn Lương-Giới, Giới truyền cho Tào-Sơn Bổn-Tịch và đời sau gọi phái này là tông Tào-Động. Về phía của Đạo-Ngộ thì nối pháp là Sùng-Tín ở Long-Đàm ; Tín truyền cho Đức-Sơn Tuyên-Giám ; Giám truyền cho Tuyết-Phong Nghĩa-Tồn ; Nghĩa-Tồn truyền cho Văn-Yển ở Vân-Môn, thành tông Vân-Môn. Nghĩa-Tồn cũng truyền lại cho Sư-Bị ở Huyền-Sa. Bị truyền cho Địa-Tạng Quế-Sâm ; Sâm truyền cho Văn-Ích và Ích lập thành tông Pháp-Nhãn. Tóm lại dòng của Thanh Nguyên chia thành 3 chi nhánh, đó là các tông Tào-Động, Vân-Môn và Pháp-Nhãn.
Thiền sư Hòai Nhượng ở Nam-Nhac truyền pháp cho Mã-Tổ Đạo-Nhất ; Nhất truyền cho Bá-Trượng Hải; Hải truyền cho hai vị là Quy-Ngưỡng Hựu và Hoàng-Bá Vận. Quy-Ngưỡng Linh-Hựu truyền cho Ngưỡng-Sơn Huệ-Tịch và từ đó có tông Quy Ngưỡng. Hy-Vận truyền cho Lâm-Tế Nghĩa-Huyền nên có tông Lâm-Tế. Như vậy chi Nam-Nhạc chia thành phái Quy-Ngưỡng và Lâm-Tế.
Đó là nguồn gốc năm phái Thiền tông và trong Hiệu Chính Tinh Đăng Tập do tôi viết, các điều này cũng có được phụ lục vào.
Về dòng Nam-Nhạc, đời thứ 60 là Đông-Minh Sảm (旵)có hai người nối pháp, đó là Hải-Chu Vĩnh-Từ và Hải-Chu Phổ-Từ. Vĩnh trụ trì chùa Đông-Sơn ở Kim-Lăng, còn Phổ thì trụ tại Đông-Minh ở Hàng-Châu, cả hai đều có ghi trong Tục Chỉ Nguyệt Lục. Mật-Vân Ngộ ở Thiên-Đồng và Tiền-Khiêm Ích khi viết bài truyện của Phổ-Từ có ghi Phổ-Từ là người nối pháp của Tổ Sảm . Tông Thống Biên Niên ghi rằng vào năm Vạn Lịch thú 6, tân dậu, Đông-Minh Sảm thị tịch có Hải-Chu Phổ-Từ nối pháp. Căn cứ vào các tư liệu trên, nghĩ nên xác định rằng dòng Nam-Nhạc đời thứ 61 là Phổ-Từ chùa Đông-Minh.
Ấy là nói Lâm-Tế, một tông thịnh vào bậc nhất trong năm tông phái mà còn có sự ghi chép sai lầm như vậy. Còn như tông Tào Động thì truyền được năm đời, đến đời tổ Cảnh thì suy vi, nhờ Viễn-Công nối pháp nên có sự tiếp nối mãi về sau. Ở dây khi xét dòng Thanh-Nguyên, đời thứ 45 thì Phù-Dung Đạo-Giai là người nối pháp, nhưng trong Tập Tổ Đăng Đại Thống người ta thấy ghi người kế tiếp ngay đó là Lộc-Môn Giác, như vậy từ Đơn-Hà Thuần đến Thiên-Đồng Tịnh, tất cả là 5 đời đều bị bỏ quên không nhắc tới.Về vụ này Lâm đại sư đã từng nêu rõ sự thiếu sót đó.
Theo Tông Thống Biên Niên thì vào năm Trùng-Hòa thứ nhất đời Tống, khi tổ Đạo-Giai thị tịch có Đơn-Hà Thuần nối pháp. Năm sau, Thuần thị tịch thì Chân-Yết Liễu nối tiếp và sau thời gian 34 năm khi Liễu thị tịch thì có Thiên-Đồng Giác (玨) nối pháp. Trải qua 14 năm, Giác thị tịch có Tuyết-Đậu Giám nối. Bốn năm sau Giám thị tịch thì Thiên-Đồng Tịnh nối, rồi sau 2 năm Tịnh thị tịch thì Lộc-Môn Giác (覺) mới nối pháp, tính ra cách năm thị tịch của tổ Đạo-Giai là 55 năm. Vậy thì Lộc-Môn Giác đâu có thể là người nối pháp của Đạo Giai được ? Ghi như vậy rõ ràng có sự lầm lẫn về các thế hệ. Bởi vậy, trong sách Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh, Vân tôi có đính chánh điểm này trong bài “Pháp hệ khảo chính”.
(Hòa Thượng Hư Vân)
#PhậtTổĐạoẢnh #CácVịTổThiềnTông #ThiềnSưTrungHoa #HòaThượngHưVân #ThiềnTông #TổSưThiền #BồĐềĐạtMa #LụcTổHuệNăng
Nguồn:https://micitiapp.com/